Banner mobi
tiwtter.comyoutube.comfacebook.com
VIẾT VỀ GIA ĐÌNH CỦA TÔI HUỲNH GIA TRANG

 Đọc xong bài của cậu Ngân ,Ụi nơ liền nghĩ tại sao Huỳnh gia không tổ chức cuộc thi viết về " Gia đình của tôi" , Huỳnh Gia Trang chúng ta còn chín người con mỗi người viết một bài về gia đình thì hay biết mấy nhỉ, nghĩ tới đấy thôi thì cảm giác tôi lâng lâng không có cảm giác nào bằng cả. Thế là tôi liền bắt tay viết ngay bài đầu tiên về Huỳnh Gia Trang theo cảm xúc của tôi ấp ủ bao nhiêu năm mà không bộc lộ được.

 

                    CÁI NÔI CỦA GIA ĐÌNH HUỲNH GIA TRANG

      Nơi ta lớn lên trong sự nuôi dưỡng của Mẹ, trưởng thành từ dạy dỗ của Ba, cùng với những ký ức về tuổi thơ mãi mãi không phai nhòa theo năm tháng.... đó không nới nào khác mà là gia đình. Thật khó để có thể nói hết, bao hàm hết ý nghĩa của hai từ "GIA ĐÌNH".

      Nếu có ai đó hỏi tôi đi học đại học để làm gì , tôi sẽ trả lời về khía cạnh gia đình : "Học để cho ba má tôi vất vả và nhanh già hơn thôi ", nhưng ngược lại nếu ai hỏi ba má tôi câu hỏi ấy thì Ba má ngẩng đầu hãnh diện trả lời : Học cho con cái thoát khỏi cái đói nghèo, học cho con tôi có kiến thức hơn người, học cho con tôi có tầm nhìn hiểu được về ý nghĩa cuộc sống, và trong thân tâm ba má tôi học cho con tôi vươn xa khỏi tầm mắt con người xem thường ngày ấy...

 

      Quê hương tôi là một ngôi làng ở miền Trung, nơi ai cũng vất vả làm việc sớm tối với một mong muốn duy nhất là con cái mình ngoan ngoãn, học đến nơi đến chốn để thi đỗ đại học. Đại học không chỉ là mong muốn mà còn là niềm tự hào, hãnh diện của những người như Ba má tôi suốt ngày phải : " bán mặt cho đất bán lưng cho trời" dưới cái thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.

 

      Những năm ấy đất nước mình mới giải phóng , ruộng đất vào hợp tác xã dân chúng còn nghèo khổ lắm, gia đình tôi cũng không ngoại lệ, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc ,cả nồi cơm chỉ được 2 chén cơm cho các em nhỏ nhất , còn lại là lớp khoai mì cắt lát hấp phía trên cùng chén mắm cái giữa mâm với dĩa rau dại đủ loại ăn cho no bụng , trong cái khó nó ló cái khôn chị Hai tôi nghĩ ra nhiều chiêu cải thiện bữa ăn như muối ruột cây đu đủ rồi xào với tí muối bột ngọt ăn cơm nhưng sao mà ngon quá , cái cảm giác ấy mùi vị ấy mà mấy chục năm qua đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ giá như bây giờ chị tôi làm lại cho chúng tôi thưởng thức thì hạnh phúc biết bao. Nhà tôi vườn rộng nuôi con gà con vịt nhưng khổ quá đâu được ăn chọn con nào to mập đem bán lấy tiền lo cho chị em tôi ăn học nữa chứ, thế là chúng tôi ngày ấy còn trẻ con lắm có hiểu hết lòng Ba má đâu , suốt ngày trông có con gà nào " Cù rụ" là mừng lắm ( vì không bán được) chạy ùa vô thông báo cho chị Hai và anh Năm biết là đè bắt vô làm thịt kho sả ớt ăn , có như vậy lũ trẻ chúng tôi được chén bữa cơm ngon vô cùng mà theo như tôi nghĩ đến bây giờ nó là món ăn ngon nhất thế giới của lũ chúng tôi thời đó, có được món ngon chúng tôi mãi ăn, ăn đến nổi cái " xaanh " kho gà mà 2 em trai tôi dành nhau trộn nồi sạch bóng , khi ngẩng đầu lên thì Ba má và chị Hai , anh Năm , chị Chấp chẳng còn gì để ăn, dù bụng đói nhưng Ba má vẫn nói là no không muốn ăn ( cái tình cảm ấy bây giờ tôi có gia đình mới hiểu ) nhìn các con ăn mà lòng Ba má tôi hạnh phúc, rồi có những hôm Ba tôi muốn cải thiện bữa ăn cho các anh chị em tôi bằng cách soi bắt cá bằng đèn măng-xông , tôi và em trai kế được Ba cho đi theo xách giỏ đựng cá còn anh Năm và Ba tôi cùng mấy người hàng xóm soi bắt cá , y như rằng sáng hôm sau cả nhà được một bữa ăn hoành tráng như giỗ ( chỉ có mớ cá đồng là sung sướng lắm rồi) .... nhiều lắm nhiều lắm ....tuy cuộc sống khó khăn như thế nhưng gia đình tôi luôn biết chia sẽ và thương yêu nhau. 

 

      Với lòng quyết tâm ấy Ba má tôi lên kế hoạch cho các con , vạch cho chúng tôi ra một đường tương lai phía trước mà chỉ phải tiến không được lùi : Ngày ấy, con đông quá nên Chị Hai tôi phải hy sinh sự học để cùng Ba má chăm lo cho các em, Ba má tôi đau lòng lắm nhưng không còn cách nào khác chấp nhận cho chị Hai ngưng học bươn chải lo cuộc sống gia đình. Khi các anh chị em chúng đi học thì gánh nặng lại đè trên vai Ba má & chị Hai tôi ngày càng nhiều, có những lúc để cho chúng tôi có giấc ngủ tròn , có đủ sách vở, quần áo không thua kém chúng bạn ... Ba má tôi đã thức dậy từ 3h sáng người thì lo cho con cái kịp bữa cơm sáng tới trường, người thì lo lấy nước ruộng trông lúa vào những hôm trời rét lạnh thấu xương.

 

      Để giúp cho Ba má và chị Hai các anh chị em tôi đi học một buổi còn một về phụ giúp Ba má lượm cái khoai mì , phơi cái khoai lang , gặt lúa, đi củi vào những tháng hè để suốt một năm có cái để nấu, dù cực khổ nhưng anh chị em đùm bọc bảo ban, việc học của chị em tôi Ba tôi giao cho trách nhiệm anh Năm tôi cai quản dạy học từng đứa một, anh tôi thông minh lắm , anh là THẦN TƯỢNG của lũ chúng tôi thời đó , anh vừa tranh thủ học bài của anh và vừa dạy học cho chị em chúng tôi , anh nói cố gắng học giỏi cuối tuần anh sẽ thưởng cho buổi tối nghe anh kể chuyện Tề Thiên đại thánh, thời ấy nghe đến đây là chị em chúng tôi sướng rân người rồi ( đâu phải như có sách báo phim ảnh như bây giờ) rồi buổi tối ấy cũng đến anh ngồi trên bàn còn chị em chúng tôi và lũ bạn quanh xóm ngồi vòng tròn quanh anh nghe kể chuyện một cách say sưa quên cả khuya, đang đến khúc hấp dẫn thì anh bảo dừng lại đi ngủ , chúng tôi buồn tức lắm nhưng lệnh anh Năm hồi đó có uy lắm, anh nói rằng : muốn biết câu chuyện tiếp theo như thế nào thì về cố gắng học giỏi chăm làm thì tuần sau kể tiếp , chị em tôi răm rắp nghe theo với bộ mặt buồn tiu nghỉu.

 

      Ngày ấy , có lần xóm Ga có đoàn văn nghệ về biểu diễn, chị em tôi mê lắm nhưng Ba tôi rất khó ( Ba tôi nổi tiếng là người nghiêm khắc dạy con cái , đây cũng chính là biểu tượng của cả thôn mà các bậc làm cha làm mẹ khi ấy lấy làm gương để dạy con mình ), Ba dứt khoát không cho chị em tôi đi, chị Chấp đại diện năn nỉ Má và cầu cứu chị Hai xin Ba cho đi , thương con lắm nhưng lại sợ con hư cuối cùng bấm bụng cho chị em tôi đi xem . Ôi ! không có gì sung sướng bằng giống như được lên thiên đàng vậy , có lần 1 chưa thỏa thì lại xin lại lần 2 nhưng lần này Ba tôi kiên quyết lắm Má & chị Hai cũng đành bó tay , các chị em tôi bàn trốn đi xem nhưng khổ nổi Ba tôi có một nguyên tắc là trước khi Ba đi ngủ là cầm đèn pin kiểm tra giấc ngủ của tất cả các con từng giường như thế nào ( Ba quá là chu đáo , chỉ có tình mẫu tử mới thể hiện được mà thôi), rồi cũng là các bà chị đầy mưu kế lấy mền đắp những gối ôm lại giả vờ có người ngủ, xong xuôi dẫn các chị em đi xem ca hát ( Chấp, Thịnh , Hơn , Trước , Khá), chao ôi ! một kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo ai ngờ khi đi xem về em trai tôi chạy ra cửa sổ sau nhà nơi mà giường ngủ của 3 em trai tôi ( Khá, Ngân , Báu) cầm thân cây khoai mì khều khều cu Ngân mở cửa ai dè không phải Ngân mà là Ba tôi , thế là bị phát hiện mấy chị em tôi mặt cắt không còn giọt máu ( sau này tôi mới biết là lúc Ba tôi đi kiểm tra phát hiện chị em tôi đi chơi nên thay vì chỗ đó là em trai tôi ngủ thì Ba thế vào chỗ ý để bắt chị em tôi hhuhuhu) , Ba không la một lời nào mà mở cửa chị em tôi vào ngủ nhưng bản thân biết rằng thôi rồi lượm ơi , ngày hôm sau Ba kêu vào các chị em tôi nằm thẳng tắp lên phảng , tôi nhỏ nhất nhưng cũng ma lanh nhất liền chạy tọt vào nằm vị trí sát chổ Ba đứng còn chị Thịnh nằm ngoài cùng , đã mập còn nằm ngoài nên khi roi mây Ba tôi quất xuống thì Thịnh ù lãnh đủ vì mông qua to , còn tôi ốm nằm sát vào trong không bị đau lắm nhưng cũng giả bộ òa lên khóc để Ba khỏi đánh, đánh con thì con khóc bằng nước mắt ra ngoài còn Ba tôi tôi thấu hiểu không phải ghét bỏ gì con nhưng vì dạy con mà phải ngậm nuốt nước mắt vào trong. Ba ơi, ba ơi giá như bây giờ được Ba cầm cây roi quất vào mông chị em con khi làm cho Ba má buồn thì tụi con cũng vui lòng không oán trách Ba má như còn trẻ thơ, ngày ấy tụi con nào có thấu hiểu hết tâm can của người làm ba làm mẹ dạy tụi con như vậy , chỉ vì Ba má sợ chúng con lầm đường lạc lối trở thành con người hư hỏng mà thôi , đúng là kỷ niệm mà cả suốt đời không bao giờ quên được . Các chị em tôi được Ba má dạy dỗ không những bằng tấm lòng , lời nói mà còn hành động , khắp nơi trong nhà Ba tôi đều nắn nót viết các dòng chữ : Tiên học lễ -hậu học văn, Đói cho sạch - rách cho thơm, Giấy rách thì phải giữ lề, Chị ngã em nâng, Kính trên nhường dưới, Gần mực thì đen - gần đèn thì sáng .... chị em tôi đi đâu các bức tường cũng bắt gặp những câu răn dạy con cái, vì Ba sợ các con hư đánh mất nhân cách đạo đức con người. Ngày ấy chị em chúng tôi cứ ví Ba tôi là một nhà Nho học chính hiệu.

 

      Ba tôi đúng là kim chỉ nam cho hành động, phương hướng Ba vạch ra cho gia đình đã bắt đầu thực hiện được, một ý nghĩ kinh doanh táo bạo Ba đã thực hiện là dồn hết bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào máy xay xát gạo cho nhà nước , một ý nghĩ mà thời đó cả xã không ai nghĩ đến được, máy xay xát gạo đặt ngay tại mảnh đất sau nhà chúng tôi Ba tôi là cổ phần chính, còn các Dì tôi là cổ phần phụ, bền bỉ mọi giao dịch với các cơ quan Nhà nước một tay Ba tôi lo với chiếc đạp đồng dông theo ông suốt năm tháng ( đến bây giờ nó trở thành thương hiệu của Ba tôi Huỳnh Gia Trang), còn phần lo sản xuất hậu cần là Má tôi đảm nhiệm hướng dẫn cho mọi người cùng chị em tôi làm sàng sảy....

 

      Cuộc đời của gia đình chúng tôi bắt đầu sang trang mới, có cái ăn cái mặc ( nhưng chưa khá giả đâu) vì con quá đông phải lo toan đủ thứ bề, nhưng trời cũng không phụ lòng Ba má , rồi cảm giác mà Ba má ước mong bấy lâu cũng đã đến đó là lúc nhận được tin báo anh Năm tôi đậu Đại học kinh tế năm 1979, Ba má tôi mừng không tả xiết, một niềm vui mừng tột độ, mừng mà rưng rưng nước mắt, tôi cảm giác khi ấy Ba má tôi muốn hét lên không trung , đó là niềm vui sướng tột đỉnh của mỗi người cha người mẹ và ở một làng quê như tôi thì họ hàng nở mày nở mặt với hàng xóm vì cả huyện thời đó chỉ có một mình anh Năm tôi đậu vào Đại học kinh tế. Bình thường đã là Thần tượng với chúng tôi , nay lại càng là niềm hãnh diện của gia đình chúng tôi. Ngày nhận tin đậu bà con đến chúc mừng chật cả nhà Ba má tôi cứ đi đi ra ra vào vào mà không hiểu mình phải làm gì nữa. Để cho anh tôi được cắt hộ khẩu đi học ở TPHCM , thời đó khó lắm bên xã nói nếu Ba tôi nộp hết ruộng đất thì cắt hộ khẩu cho anh tôi còn không thì anh tôi không được đi học , Ba tôi đành chấp nhận hy sinh hết ruộng đất giao nộp cho hợp tác xã mới cắt được hộ khẩu đi học, Ba tôi nói với Má tôi và các chị em tôi rằng : ruộng đất thì có thể từ từ có được nhưng cái học của con là quan trọng hơn hết , Ba có thể hy sinh ruộng đất nhưng không thể hy sinh sự học của con. Một tầm nhìn xa của Ba mà sau này chúng tôi phải thán phục : " Ba quá vĩ đại". 

      Trước ngày anh tôi nhập học Ba má làm bữa tiệc linh đình , làm một con bò đã đãi cả xóm làng , ai đến dự cũng thán phục cái tài của Ba tôi, ngày ấy ai vào được đại học oách lắm đi đến đâu ai cũng phải nể , ngày tiển anh lên đường Ba tôi cứ đốt nhang khấn vái mọi sự bình an, Ba má khóc rất nhiều : khóc vì hãnh diện , khóc vì niềm hạnh phúc vô bờ bến , khóc vì lo cho con xa nhà không ai chăm sóc...Tuy không nói ra nhưng tôi hiểu Ba đang rất lo cho anh tôi nơi đất khách quê người, thế là quyết định tiếp theo là chị Chấp tôi phải nghĩ học khi vừa xong lớp 9 để vào Sài gòn cùng anh Năm cho có anh có em và lo buôn bán phụ Ba mẹ. Thế là thêm một người chị nữa hy sinh sự học cho các em út phía sau , nhưng được động viên của gia đình chị tôi vừa làm vừa học sơ cấp để kiếm được một việc làm nho nhỏ nơi thành phố xa hoa. Đến cái tết đầu tiên của năm học anh về quê ăn tết , nếu như về quê ăn tết bình thường thì chẳng có gì đáng nói , anh tôi vừa bước xuống mảnh đất quê hương là đi thẳng một mạch về nhà, thay vì đi đường ngay ngõ thẳng về nhà thì anh tôi phải băng ruộng đi vòng vô nhà, chị em tôi thắc mắc hỏi thì được anh giải thích rằng : nếu mình đi đường thẳng mà bà con hàng xóm thấy kêu vô nhưng nếu không vô thì họ chê trách khinh thường, còn nếu vô thì lại bất hiếu với Ba mẹ vì con cái về quê mà không về Ba mẹ trước thế nên anh mới đi đường vòng. Thật là một suy nghĩ quá chu đáo mà đến bây giờ chị em tôi cũng chưa ai được như anh thời đó , chị em tôi chỉ biết tung hô : " anh Miễn muôn năm". 

 

      Niềm vui chưa kịp tắt trên khuôn mặt Ba má thì một tin bất ngờ ập đến, một tin động trời anh tôi hè về rồi vô học bị xe lật chết, Ba má tôi không tin vào tai mình nữa , Ba tôi xuống đường chờ tin chính xác nhất nhưng khi nhận được số xe khách bị lật ba tôi về xem lại giấy ghi lại của Ba cất ở nhà thì Ba tôi quỵ xuống , bao nhiêu sự hy vọng & cố gắng đã sụp đổ xuống chân, Má tôi cứ thét lên như điên như dại , chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, còn chị em tôi lúc này như mất mọi phương hướng, hơn lúc nào hết Ba tôi lúc này cũng là chổ dựa tinh thần cho cả nhà nên Ba thầm quyết tâm không được gục ngã, Ba quyết định cho chị Chấp tôi từ trong Sài gòn ra còn Ba tôi từ Quảng ngãi vào Bình thuận để đưa thi thể anh tôi về quê. Ngày anh về đến quê cả làng cả xã đều đến chia buồn khóc than thảm thiết. Lúc ấy tôi tự nghĩ tại sao tại sao ông trời lại bắt Ba má tôi mất mát quá lớn như thế, Má tôi bị điên 2 năm vì sự mất mát quá lớn này, Ba má tôi quyết định xuống tóc tu tâm, thời điểm ấy nếu Ba tôi mà không vững chắc gia đình tôi tan nát mất. Ba năm sau Má tôi bình phục trở lại được sự động viên của Ba và con cái , gia đình tôi quyết tâm vượt qua để đi đến con đường phía trước, vì còn lại 7 người con đang tuổi ăn học.

 

      Để tiếp tục nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn Ba tôi đầu tư tiếp máy xay tại Suối loa- Ba tơ, đạp xe đạp hàng chục cây số , vượt đèo lội suối quyết tâm kiếm cái ăn cái mặc nuôi con, Má tôi thì lo bôn ba buôn bán dẫn dắt các chị em tôi học kinh doanh, ngoài thời gian buôn bán ra Má tôi còn là một người phụ nữ tuyệt vời chỉ cho các con gái nấu ăn , làm lụng để sau này về nhà chồng không bị chê cười, may mà chị em tôi có được cái gien buôn bán của Má, cái nghị lực phi thường củ Ba mà chị em tôi mới vững vàng trong cuộc sống. Khi ấy, không những chị em tôi mà các bà con lối xóm cũng học theo Má buôn bán làm ăn, Ba tôi thì bắt đầu hành nghề bán thuốc giao lại kinh doanh cho Má tôi quán xuyến từ gạo, dầu, đường, trầm, sa nhơn, phân bón ... một tay má tôi dẫn dắt hết. kinh tế từ ấy cũng dần đi lên, chị Hai tôi có gia đình phải lo cho con cái nữa, Ba má tôi cùng chị Chấp lại tiếp nối lo toan.

 

      Thế rồi chị em chúng tôi lần lượt được vào các trường Cao đẳng, trung cấp, Đại học hết, nổi lo đóng học phí ăn ở càng chồng chất lên đôi vai gầy gò của Ba má tôi, Ba má tôi đã làm bất kỳ việc gì , dù khổ vất vả có trăm lần gom góp những đồng tiền bằng mồ hôi và nước mắt , kể cả xương máu mà Ba má tôi trải qua để lo cho con cái đầy đủ nhất có thể. Rồi cũng đến ngày các chị em tôi cầm được tấm bằng tốt nghiệp trong tay làm hành trang trong cuộc sống cũng là ngày mà Ba má thở phào một cái cho nhẹ mới "hết tập 1" thôi các con àh. Ba tôi rất duy tâm nên hay cầu nguyện cho con cái xin được một chỗ làm cho ổn định , rồi yên bề gia thất Ba má mới an tâm, trời cũng không phụ lòng người, may mắn thay các con của Ba má đều đâu vào đó, không một đứa nào hư hỏng , gia đình lại đoàn kết, con cái thì thành đạt.

 

      Đúng như em tôi đã nói : Cuộc đời đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi rời bước giảng đường đại học, cầm cái bằng trong tay rời quê hương Nam tiến với nhiêu bộn bề lo toan cho cuộc sống càng ngày càng nhiều áp lực, mỗi người đều lo cho sự nghiệp của mình, làm ăn , tìm kiếm cơ hội, nâng cao kiến thức...để rồi thời gian mà mỗi người giành cho Ba má, cho những người thân yêu dần một ít đi. Cho đến một lúc chợt nhận ra rằng những vật chất xa hoa, những cám dỗ của cuộc sống kia chỉ là bọt biển, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa khi thiếu đi những tiếng cười ấm áp, những sự yêu thương ...trong guồng xoáy của cuộc sống hiện đại, gia đình dường như nép mình để nhường chổ cho bon chen, xô bồ, thì gia đình là bến bờ hạnh phúc, đúng hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Ba má cho chúng tôi có đôi cánh bước vào đời thì chúng tôi đã làm những cho Ba má vui, những gì cho Ba má buồn ... bản thân chị em tôi phải suy nghĩ , phải suy nghĩ.

 

      Ba má ơi ! Chị em con có được như ngày hôm nay là nhờ chị em con tiếp thu được từ nền tảng tốt đẹp của ĐẠI GIA ĐÌNH MÌNH. Với sự hi sinh thầm lặng, Ba dành tình yêu thương cho gia đình, cho con cái không bằng ánh mắt trìu mến nhưng bằng sự nghiêm khắc và tinh thần cương nghị của Ba , không bằng lời ru của mẹ mà bằng những lời chia sẽ động viên và định hướng cho con cái trên đường hướng tới tương lai, chính như vậy mà các con đã vững vàng trong cuộc sống đầy cám dỗ giữa một thành phố hoa lệ này, khi con chông chênh mất phương hướng, khi những cơn sóng dữ muốn cuốn trôi con đi thì Ba má sẽ luôn cho con một chỗ dựa vững chắc, an toàn. Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở chị em con. Gia đình chính là nơi chị em con tìm về khi mệt nhoài trên đường đời đầy rẫy chông gai. Cuộc sống này đây giống như một chiếc Compa, để chị em con có thể vươn cao, vươn xa thì mỗi người luôn cần một điểm tựa vững chắc . Điểm tựa ấy chính là GIA ĐÌNH.

 

      Hy vọng rằng những nước mắt của chị em con sẽ thay thế được phần nào nước mắt của Ba má đã rơi vì tụi con trong cuộc đời Ba má. Chị em con muốn nói một điều mà chưa bao giờ các con nói thẳng với Ba má được : " Tụi con yêu Ba má nhiều lắm . Ba má sẽ sống mãi với tụi con nhé!"

                                                                                          TPHCM, ngày 07/09/2013.

                                                                                          Con gái Huỳnh Thị Trước

Phản hồi:

Bài viết đã làm chị có rất nhiều cảm xúc, để viết về cha mẹ mình, gia đình mình thì có lẻ không bút mực nào điễn tả hết. Chỉ mong sao thời gian còn lại chị em mình phải hết lòng vì cha mẹ, dù là những điều nhỏ nhất, để cha mẹ trăm tuổi già mình không phải hối hận. và cố gắng gìn giữ một Huỳnh Gia Trang ngày càng "đoàn kết - vững mạnh"!

TPHCM, Ngày 1/10/2013

Con gái : Chapht

Đăng ký thông tin
Copyrights © 2020 HUYNHGIA. All rights reserved.Design by HPTVietnam.net
Zalo