Lịch sử của Họ Hoàng & Huỳnh và những điều được hé mở.
Hoàng hay Huỳnh (chữ Hán: 黃) là một tên họ ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Triều Tiên. Họ Hoàng trong tiếng Trung có thể phiên âm Latinh thành Huang, Wong, Vong, Bong, Ng, Uy, Wee, Oi, Oei or Ooi, Ong, Hwang, hay Ung theo phương ngữ từng vùng. Họ Hoàng trong tiếng Triều Tiên được phiên âm thành Hwang hay Whang. Ở miền Nam Việt Nam, do kị húy chúa Nguyễn Hoàng nên họ Hoàng được đọc chệch thành Huỳnh từ hàng trăm năm nay.
Đối với Họ Hoàng còn nhiều điều chưa sáng tỏ, có thể một số chi họ Hoàng từ Trung Quốc sang và có thể chính họ Hoàng ở chính quốc Đại Việt cổ xưa. Nhưng qua những chứng cứ, có thể khẳng định rằng, Họ Hoàng ở Việt Nam cũng có từ thời Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc lân bang phương Bắc. Minh chứng cụ thể có nữ tướng Hoàng Thiều Hoa, cuối đời Đường có bà Hoàng Thị Chúc, vợ của quan thứ sử Vũ Hồn. Từ thời Lý trở về sau người họ Hoàng đã có mặt khá đông đảo. Còn những thời kỳ gần đây nhất, theo tư liệu thông tin của Ban Liên Lạc họ HOÀNG – HUỲNH ở Việt Nam số 6 (Hà Nội – tháng 6/2008) thì ở Việt Nam hiện đa tìm được chính xác 6 dòng họ Hoàng có bề dày lịch sử hơn 600 năm. Riêng dòng cụ tổ Hoàng Tá Thốn ở Nghệ An có bề dày lịch sử trên 700 năm. Còn có người cho rằng một số dòng họ Hoàng có lịch sử khoảng 400 năm gần đây là hậu duệ của họ Mạc. Nhà Mạc bị Trịnh Tùng dứt ngôi vào năm 1592. Con cháu họ Mạc phân tán khắp nơi, thay tên đổi họ để tránh họa diệt tuyệt của họ Trịnh. Vì thấy chữ Hoàng viết rất gần giống chữ Mạc (chữ Hán) nên một số người họ Mạc đổi ra họ Hoàng. Điều này không phải là truyền thuyết mà một thực tế lịch sử đã được công bố trên nhiều diễn đàn.
Ở Nam bộ, họ Hoàng thường được gọi là họ Huỳnh. Nhiều người cho rằng do ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Hoàng nên dân Nam bộ phải kiêng tên ông ấy mà đổi họ Hoàng nói tránh đi một chút thành họ Huỳnh. Hiện nay các dòng họ Hoàng đã có mặt khắp các tỉnh thành trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều người Họ Hoàng thành danh, khoang bảng, tướng tài. Họ Hoàng có những nhân vật anh hùng như: nữ tướng Hoàng Thiều Hoa, cuối đời Đường có bà Hoàng Thị Chúc – vợ của quan thứ sử Vũ Hồn; Hoàng Hối Khanh – quan nhà Hồ; trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú – quan nhà Hậu Lê; Hoàng Ngũ Phúc – tướng thời Lê – Mạc, người đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài; Hoàng Diệu, tên thật Hoàng Kim Tích, quan nhà Nguyễn, đã tuẫn tiết khi Hà thành thất thủ năm 1882; Hoàng Hoa Thám, người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế; Hoàng Thị Cúc, hoàng hậu nhà Nguyễn, vợ vua Khải Định, mẹ Bảo Đại; Hoàng Thị Loan, thân mẫu Hồ Chí Minh; Hoàng Văn Thụ, nhà hoạt động chính trị trong phong trào cộng sản; Hoàng Minh Giám, nhà chính trị, cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa; Hoàng Văn Thái, tên thật Hoàng Văn Xiêm, Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Hoàng Lê Kha, hay Hoàng Lê Cẩn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà nghiên cứu quân sự, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt III; Bốn anh em: Hoàng Tích Chu, nhà báo; Hoàng Tích Chù, họa sĩ, giải thưởng Hồ Chí Minh; Hoàng Tích Linh, nhà viết kịch; và Hoàng Tích Chỉ, nhà biên kịch điện ảnh; Huỳnh Thúc Kháng, nhà yêu nước, cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Huỳnh Tấn Phát, kiến trúc sư, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I; Huỳnh Văn Cao, thiếu tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và nhiều Danh nhân, Doanh nhân họ Hoàng – Huỳnh khác nữa…
Chúng ta có thể tự hào mình là con cháu một dòng họ lâu đời, có nhiều truyền thống tốt đẹp, đã từng góp công xây dựng, bảo về đất nước. Mỗi con cháu họ Hoàng ( Huỳnh) cần tự hào và phát huy truyền thống quý báu ấy của tổ tiên ta.
3. Dòng Họ Hoàng & Huỳnh – Nhìn từ thực tế hiện nay.
Trong xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường hiện nay đã tạo dựng cho thế hệ trẻ nhiều giá trị quan trọng để bước vào nền kinh tế thị trường. Đó là sự nhạy bén, tiếp thu cái mới rất nhanh, có đầu óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là trong lớp trẻ có xu hướng tỏ ra thờ ơ với truyền thống văn hóa cha ông và phong tục tập quán của dòng họ. Trong bối cảnh như vậy, sự phục hưng dòng họ với việc phát huy các giá trị văn hóa của dòng họ để giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn là điều là rất cần thiết trong thời đại ngày nay. Thực hiện chiến lược phát triển con người trong thế kỷ mới, trước hết phải giáo dục thế hệ trẻ sống xứng đáng với truyền thống văn hóa cha ông. Trong đó, việc thờ cúng tổ tiên, tìm kiếm cội nguồn, hướng đến kết nối cộng đồng dòng tộc…sẽ có tác dụng lớn nuôi dưỡng ý thức hướng về cội nguồn, nguồn cội dòng tộc.
Thực tế giới trẻ họ Hoàng – Huỳnh hiện nay, một số bạn trẻ đã và đang tích cực hướng về cội nguồn, tìm kiếm dòng họ, nhằm kết nối những tấm gương sáng để biểu dương…có những dòng họ tìm ra nguồn gốc họ mình hơn 453 năm xa cách. Đặc biệt, có một gia đình lưu lạc hơn cả trăm năm mới tìm về cội nguồn là gia đình Hoàng Đỗ Phi Hùng (Hà Nội). Như phái Hoàng Huỳnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Huế, Khe Tre, Vũng Vàng, ở nước ngoài có phái USA… nhằm mục đích chung là giữ gìn bản sắc văn hóa dòng họ, hướng vào lợi ích chung của đất nước. Có những người từ miền Nam ra Bắc để gặp gỡ Trưởng ban liên lạc xin được làm cầu nối dòng họ Bắc – Nam. Có những người từ nước ngoài liên hệ về Hội đồng dòng tộc xin chia sẻ vật chất ít ỏi của mình đóng góp cho dòng tộc. Có những bạn trẻ ước muốn nhỏ nhoi được gặp các bậc tiền nhân, danh nhân họ hoàng học tập gương sáng của họ. Có những người họ Hoàng ngày đêm kết nối giới trẻ thành một nhóm để chia sẻ về cuộc sống công việc, gia đình và học tập trên các trang mạng xã hội, nhằm tìm kiếm nhiều giới trẻ hơn nữa để cùng nhau giúp đỡ và tạo một thế mạnh vững chắc cho dòng họ tộc trong tương lai.
Tuy nhiên do kinh tế thị trường hiện nay, một số bạn trẻ sống buông thả, chưa coi trọng những giá trị truyền thống. Hơn nữa, một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên của giới trẻ hiện nay trong đó có những người con dòng họ Hoàng – Huỳnh chưa thực sự thiết tha suy nghĩ một cách đúng đắn về giá trị cốt lõi của dòng tộc mình. Đây cũng là nguyên nhân chính, những bậc làm cha làm mẹ, họ cũng chưa chú trọng nhiều đến việc tìm kiếm cội nguồn dòng tộc. Họ ít quan tâm và coi nhẹ việc kết nối dòng tộc.
Nhiều gia đình xem ra không quan tâm đến việc xây dựng nếp sống có văn hóa truyền thống, tôn trọng cội nguồn trong gia đình và cũng ít quan tâm dạy bảo con cái hướng về nguồn cội.
Về phía xã hội, nhìn vào thực tế hiện nay, ta thấy được những hậu quả do sự phát triển của xã hội, do lối giáo dục nhồi sọ. Hơn nữa, do hội nhập văn hoá “tây hoá”, không còn biết đến nền tảng truyền thống của dân tộc.
Để có cái nhìn đúng đắn hơn, hiệu quả hơn về dòng tộc và cội nguồn, mỗi gia đình mang dòng máu họ Hoàng – Huỳnh là nơi mọi người cần phải yêu thương đùm bọc nhau trong cuộc sống, đặc biệt với những người trong dòng tộc. Hơn nữa, cha mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc giáo dục con cái cũng như dạy con cách sống, cách làm người và hướng về cội nguồn dòng tộc.
Để phát triển một cộng đồng dòng tộc bền vững, những bậc tiền nhân, những nhà lãnh đạo đương chức của họ Hoàng – Huỳnh trên cả nước và những người có trách nhiệm, dù bất cứ ở cương vị nào phải có một tấm lòng và cái tâm trong sang hướng về tổ tiên dòng tộc. Việc tìm về cội nguồn để nối kết dòng họ trước hết được lớp người cao tuổi đề xướng gợi mở. Bởi họ là những người có nhận thức sâu sắc văn hóa dòng tộc, họ luôn có ý thức giáo dục thế hệ hậu duệ đời sau nhận thức được việc phụng thờ tổ tiên, xây dựng gia phong. Như xây dựng, trùng tu lại nhà thờ khang trang, nguy nga hơn, đại tu lăng Ngài Thủy tổ, sơ tổ, thượng tiên tổ, quy tập nghĩa trang, gây quỹ khuyến học, khắc phục các vụ bất hà trong nội tộc và giữa các họ trong làng ngoài xóm. Nâng cao lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình, góp phần chỉnh đốn, xây dựng nề nếp gia phong. Trong giá trị đạo đức hướng đến vấn tổ tìm tông, cần định hướng cho thế hệ trẻ ngày nay có một lý tưởng, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị cao đẹp về dòng họ tổ tiên của mình.
Toàn cộng đồng dòng tộc họ Hoàng – Huỳnh cần phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục một thế hệ trẻ có truyền thống, có lý tưởng sống để có thể đứng vững trước mọi thách thức và sóng gió trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Mặt khác đoàn kết gắn bó cộng đồng Họ Hoàng – Huỳnh trong một kỷ nguyên mới và xây dựng nền móng cho thế hệ mai sau./.
NCS. Hoàng Anh Tuấn (Sưu tầm và tổng hợp)
Trong bài có sử dụng một số tài liệu và thông tin của :
– Ban liên lạc Hội đông dòng Họ Hoàng – Huỳnh Việt Nam
– Tham khảo và lược tài liệu của Tác giả. TS. Hoàng Minh Tuyển (lược dịch)
– Tác giả Hoàng Hữu Tương Như, Hoàng Thiết Dũng và một số tác giả Họ Hoàng – Huỳnh khác.